Năm 2015, Sang quyết định qua Hồng Kông để thành lập Công ty Công nghệ Galatek. Hầu hết những người anh em co-founder cùng đồng hành với Sang cũng như các đối tác, khách hàng của công ty đều làm việc rải rác tại nhiều nơi trên thế giới như Hồng Kông, Quảng Châu, Bắc Kinh, Canada, Mĩ,... Quá quen với cảnh làm việc từ xa, Sang không là một trong những người lúng túng trước phong cách làm việc mới thời COVID, cũng không cảm thấy việc này có gì bất tiện. Nhưng Sang quan sát được rằng, có vẻ như người đi làm ở nước mình đang khá lao đao trước sự thay đổi này.
Lần đầu tiên, bạn được tự chủ hoàn toàn thời gian làm việc.
Lần đầu tiên, giao tiếp giữa các đồng nghiệp chỉ có thể được hỗ trợ bởi một phần mềm trung gian.
Lần đầu tiên, không còn ai cạnh bên “săm soi” xem bạn đang làm gì.
Đứng trước bối cảnh này, bạn có thể cảm thấy tự do hoặc chênh vênh, đầy cảm hứng hoặc buông tuồng bừa bãi, dễ dàng hoặc vô vàn khó khăn. Càng làm chủ được công nghệ và những công cụ của thời đại mới, bạn càng cảm thấy tự do, đầy cảm hứng và dễ dàng khi thích nghi với phong cách làm việc từ xa.
Sang từng nhắc đến ở phần Lời mở đầu rằng, thời đại này sẽ ít khoan nhượng hơn với những người có năng lực ở tầm trung. Hãy tưởng tượng mà xem, nếu bạn là một “mắt xích yếu” trong một dự án hoặc phòng ban, bạn sẽ chống đỡ như thế nào với văn hóa làm việc tại nhà – nơi tất cả mọi người phải “tự bơi”? Nói như vậy không có nghĩa là bạn không cần phải tự bơi khi làm việc ở văn phòng. Nhưng khi có đồng nghiệp, đội nhóm kề cận, bạn có thể nhận được nhiều sự hỗ trợ. Bạn vẫn phải tự bơi, nhưng có ai đó sẽ choàng tấm áo phao lên người bạn để bạn không phải đuối nước. Nhưng mọi lỗ hổng về kiến thức, kỹ năng chuyên môn của bạn sẽ “lộ” ra thấy rõ khi bạn bị ép vào một môi trường nơi người ta làm việc độc lập. Khi giao tiếp bị hạn chế, bạn không có cơ hội đặt ra cho đồng nghiệp những câu hỏi và trình bày với cấp trên những băn khoăn. Bạn buộc phải tự giải quyết công việc của mình.
Vậy lời khuyên của Sang là gì? Bất kể lĩnh vực của bạn là gì, hãy phấn đấu để trở thành một trong những người giỏi nhất trong ngành. Sang biết lời khuyên này nghe có vẻ hiển nhiên và dường như thời đại nào người ta cũng khuyên người trẻ như vậy, nhưng hãy tin Sang, điều này đặc biệt cấp thiết trong Kỷ nguyên 4.0 và Thời đại COVID. Cũng giống cách mà hàng loạt những công ty vừa và nhỏ đã phải phá sản trong năm 2020 và toàn bộ dung lượng khách hàng gần như đổ dồn về 4 ông lớn trong ngành công nghệ, bạn cũng sẽ bị đào thải nếu bạn “vừa và nhỏ”.
Hãy vạch ra những kỹ năng chuyên môn mà bạn cần trau dồi và “điên cuồng” học, vì bạn không còn thời gian. Ví dụ như với vai trò là Product Manager – Giám đốc Quản lý Sản phẩm trong một dự án của công ty, Sang bắt buộc phải có những kỹ năng như kỹ năng “chốt deal”, kỹ năng Marketing, kỹ năng lập trình, kỹ năng thiết kế,... Vì chỉ khi có những kỹ năng này, Sang mới có thể dẫn dắt và phối hợp các team trong dự án sao cho sản phẩm được phát triển với chất lượng tốt nhất, làm hài lòng người sử dụng và đạt được mục tiêu kinh doanh đã đề ra.
Đến lúc này, nhiều người vẫn đang nghĩ rằng cụm từ “Thời đại công nghệ 4.0” chẳng liên quan gì đến mình, đơn giản vì họ nghĩ, họ không làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng để Sang bật mí một “nickname” khác của thời đại này mà có thể thay đổi suy nghĩ của bạn: Thời đại Kỹ năng.
Những người đã nhìn thấu Thời đại Kỹ năng biết một điều rằng, sớm thôi, con người sẽ không còn được đánh giá bởi số giờ làm việc. Và viễn cảnh này càng được đẩy nhanh vì sự xuất hiện của Đại dịch COVID. Trước cơn khủng hoảng đó, đa số chúng ta đều có một công việc toàn thời gian, ổn định với 40 giờ làm việc mỗi tuần tại một địa điểm nhất định, được hưởng lương nghỉ phép, chế độ phúc lợi lý tưởng, và còn nhiều lợi ích khác nữa.
Song, Thời đại Kỹ năng đã đảo lộn gần như toàn bộ quy luật bất biến đó. Khi cả thị trường lao động nghĩ rằng họ cần ai đó đến văn phòng, những vị trí không cần thiết và những con người yếu kém ít chịu sự cạnh tranh hơn. Nhưng khi một con virus lây-qua-đường-tiếp-xúc xuất hiện, cả thị trường lao động bỗng trở nên “nhộn nhịp”. Lúc này, một anh chàng lập trình viên ở Mỹ, một chuyên viên Marketing ở Singapore, thậm chí một nhà thiết kế đồ họa sống ở Mặt Trăng cũng sẽ dễ dàng thay thế vị trí của bạn, chỉ cần họ GIỎI hơn bạn.
Ngược lại, khi bạn đủ giỏi, Thời đại Kỹ năng chính là sân chơi lý tưởng nhất. Bạn sẽ không còn bị ràng buộc bởi những hạn chế của mô hình làm việc truyền thống. Hơn nữa, nếu bạn biết ứng dụng một cách khôn ngoan những đặc điểm của Thời đại Kỹ năng, bạn sẽ nhận được những phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của mình.
Sang đã áp dụng mô hình làm việc của Thời đại Kỹ năng vào hệ thống Công ty Công nghệ Galatek. Ở đó, khách hàng không trả tiền cho team của Sang bằng lượng thời gian thực hiện dự án mà Sang và đội ngũ đã bỏ ra, mà họ sẽ trả tiền dựa vào kết quả, bằng chính sản phẩm đã được công ty bên Sang hoàn thành.
Những người làm việc tự do (freelancer) có lẽ là những người hiểu những gì Sang vừa đề cập đến nhất. Nếu bạn không có ý định làm việc tự do, thì hãy dùng công việc tự do như một thước đo. Bạn đã đủ giỏi để solo? Bạn có đủ tự tin để đứng một mình? Bạn có thể làm việc độc lập? Khi bạn nhận thấy mình đã đủ giỏi để “ra riêng”, bạn sẽ sống được trong Thời đại Kỹ năng, dù bạn thích làm việc cho một tổ chức, làm việc tự do hay tự thành lập một doanh nghiệp cho mình.
Ngoài kỹ năng chuyên môn, bạn phải nắm được những công cụ của thời đại mới. Hiện nay, số lượng hàng hoá online đã tăng đột biến để đáp ứng nhu cầu mua sắm online. Đó cũng là lý do vì sao mà số lượng người bán hàng online cũng tăng lên một cách đáng kể, vì họ cũng cần đem sản phẩm của công ty họ lên các sàn thương mại điện tử hoặc qua các kênh bán hàng online. Nhiều công ty đã có sẵn hệ thống để bán hàng, nhưng còn một số cá nhân hoặc công ty khác lại chưa kịp xây dựng cho mình hệ thống các kênh bán hàng online. Chính vì vậy, bạn cần tìm hiểu và học thêm rất nhiều các kỹ năng khác như xây dựng phễu bán hàng, xây dựng website thương mại điện tử, thiết lập chiến lược marketing online, viết lách, lập trình, chạy quảng cáo,... Bạn hãy yên tâm, bởi vì ở phần Cột mốc 2, Sang sẽ nói rõ hơn về các kỹ năng cần thiết cho Thời đại 4.0.
Sang nghĩ rằng dù bạn là một người làm việc tự do hay một nhân viên làm việc cho một công ty nào đó, những kỹ năng này đều rất quan trọng và chúng sẽ khiến bạn khác biệt. Dĩ nhiên, bạn vẫn có thể lựa chọn những kỹ năng khác mà mình muốn học. Trái đất đang quay nhanh hơn. Vì thế, hãy tìm kiếm và nắm bắt những cơ hội mới ngay trong chính những lúc khó khăn nhất như thế này để bắt đầu trau dồi, rèn luyện bản thân cũng như học hỏi thêm những kiến thức và kỹ năng mới.
Và guồng quay đó sẽ khác với những gì bạn từng biết nhiều lắm đấy!
Giả sử, nếu mỗi ngày trong tài khoản ngân hàng của bạn có 86.400 USD, và nếu bạn không sử dụng ngay số tiền này thì nó sẽ mất đi vào ngày hôm sau. Vậy bạn định sẽ sử dụng khoản tiền này như thế nào? Sang đã từng đặt câu hỏi này cho rất nhiều người và đều nhận lại một câu trả lời tương tự: Việc đầu tiên họ sẽ làm là rút hết số tiền này ra trước, rồi sau đó họ sẽ sử dụng nó cho nhiều mục đích khác nhau, như là mua sắm những gì họ thích, đi du lịch khắp nơi trên thế giới, và nhiều điều khác nữa,... Vậy còn bạn thì sao? Bạn có suy nghĩ giống như vậy không?
86.400 là tổng số giây mà Sang và bạn có mỗi ngày. Trước dịch bệnh, chúng ta dường như hờ hững với con số này quá, vì ta nghĩ rằng mọi thứ sẽ y như cũ, không có gì thay đổi. Nhưng dịch bệnh xảy ra, và chúng ta bắt đầu cảm thấy thời gian được sống thật quý giá biết bao. Đại dịch dường như khiến cho mọi hoạt động đóng băng và con người cũng bắt đầu đi chậm lại. Đây đích thực là thời điểm vàng để chúng ta suy ngẫm lại những gì đã xảy ra và bắt đầu rèn luyện cho bản thân những kỹ năng mới.
Bởi vì, sau giai đoạn này, một thế giới mới sẽ mở ra. Khi đó, nhân loại sẽ tiếp tục chạy về phía trước.
Nếu trước đó bạn đã quá bận rộn để suy nghĩ thấu đáo, thì con virus mà cả thế giới đang chửi rủa ít ra đã “giúp” bạn được một chuyện: Cho bạn "15 phút" giải lao. Sau "15 phút" giải lao này, tiết học sẽ lại bắt đầu. Hãy tranh thủ "15 phút" giải lao này ngẫm nghĩ tất cả những gì bạn đã làm, đang làm, và sẽ làm trong tương lai. Hãy hoài nghi những gì bạn từng cho là hiển nhiên hoặc không thể giải quyết được trong quá khứ. Hãy tranh thủ lúc này để trò chuyện với chính mình.
“Công việc này có thực sự phù hợp với mình không?”
“Mình có thật sự thích môn học này không?”
“Mình chọn chuyên ngành này liệu có đúng đắn không?”
“Những gì mình đang kinh doanh có phù hợp với thời đại 4.0 hay không?”
Trả lời được những câu hỏi này tức là bạn đã có sự chuẩn bị cho tương lai. Khi đó, bạn sẽ bắt nhịp được với thế giới và không bị loại bỏ.
Bạn đã làm gì trong quá khứ, hiện tại và tương lai?
Ví dụ:
- Trong quá khứ: Tôi đã từng là một học sinh cá biệt và chẳng có mục đích sống.
- Hiện tại: Tôi đã và đang từng ngày thay đổi bản thân và chú tâm vào phát triển những kỹ năng. Tôi học thêm kỹ năng lập trình, thiết kế web, copywriting để giúp cho công việc hiện tại của mình.
- Trong tương lai: Tôi sẽ tự xây cho mình một ngôi nhà nhỏ, đạt được mục tiêu mà mình đã đề ra và đưa ba mẹ tôi đi du lịch đến những nơi thật đẹp trên thế giới.
Chiến Binh X.0 hãy lập ra danh sách những kỹ năng mà bạn muốn học ngay lúc này.
👉 Dành ra 15 - 20 phút để tập thói quen nhìn vào những ước mơ của bạn mỗi ngày, và thực hiện từng bước nhỏ để hiện thực hoá chúng.
Ví dụ:
- Tôi muốn học thêm ngoại ngữ mới: tiếng Trung.
- Tôi muốn học đàn guitar.
- Tôi muốn học thêm kỹ năng về thiết kế hình ảnh, edit phim.
Chiến Binh X.0 hãy tạo ra một danh sách những việc tạo ra nguồn cảm hứng, niềm vui và sự sáng tạo cho bạn mỗi ngày.
Ví dụ:
- Mỗi ngày tôi dậy sớm để tập thể dục khoảng 20' - 30', tắm rửa sạch sẽ và ngồi thiền trong 15' → Tôi cảm thấy trí óc minh mẫn để bắt đầu một ngày mới.
- Tôi đọc sách 30' - 45' mỗi ngày → Tôi thấy vui vì được tiếp thu thêm những kiến thức mới và sáng tạo hơn trong công việc.
- Tôi không thể thiếu âm nhạc trong cuộc sống nên những lúc thư giãn sau giờ làm việc, tôi sẽ nghe một vài bài hát yêu thích của mình để nạp đầy năng lượng trở lại.
Chiến Binh X.0 hãy tạo ra một danh sách các kỹ năng, niềm tin và thái độ sống của bạn.
Ví dụ:
- Tôi luôn yêu thích việc viết lách nên tôi luôn trau dồi và phát triển kỹ năng viết của mình mỗi ngày. Đây là kỹ năng mà tôi cảm thấy tự tin nhất ở bản thân mình.
- Tôi luôn tin vào câu nói: Không có gì là thất bại, tất cả chỉ là thử thách.
- Tôi luôn đối xử với người khác như cách mà tôi muốn họ đối xử với tôi. Chính vì thế, tôi sẽ dành sự tôn trọng đến tất cả mọi người mà tôi gặp, cho dù họ làm nghề gì, giới tính gì, hay họ đến từ đâu vì tôi tin bản thân mình cũng sẽ nhận lại điều tương tự từ họ.
➖