Đại học - theo hay bỏ? Đây là một chủ đề mà đến tận hôm nay, sau khi đã trải nghiệm đủ nhiều và nghiên cứu đủ kỹ Sang mới dám thảo luận về nó. Là một người tin vào tiềm năng vô hạn của con người, rằng không có một môi trường nào hay cấp bậc giáo dục nào có thể quy định giới hạn của bạn ở đâu, đương nhiên Sang tin rằng bạn vẫn có thể làm giàu dù không học đại học. Tuy nhiên, nó chỉ là một trong hàng vạn khả năng có thể xảy ra, và chắc chắn “bỏ đại học” không phải là lý do thành công của những người mà bạn đã từng nghe tên. Nó chỉ đơn giản là một sự kiện trong đời họ. Họ thành công là vì tài năng và nỗ lực, không phải bởi vì họ đã bỏ đại học.
Bản thân Sang vẫn ủng hộ bạn học đại học. Khi bạn không có một lý do để mạnh và đủ cụ thể, thì bỏ đại học cũng gần giống với bỏ đi một cơ hội trong cuộc đời. Cơ hội để có được bằng đại học - thứ không quyết định bạn là ai hay năng lực của bạn, nhưng sẽ là thứ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trước khi họ quyết định có tiếp tục tìm hiểu về bạn hay không. Cơ hội để con bạn sau này có được giáo dục tốt hơn. Cơ hội để gặp gỡ những con người mà rất có thể sẽ trở thành đồng sự sau này của bạn. Hãy nhớ rằng, những người như Bill Gates hay Mark Zuckerberg đã tìm được những người đồng hành cùng mình trong chính ngôi trường đại học của họ trước khi họ bỏ đại học.
Song, Sang vẫn không khẳng định rằng đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Bạn bè của Sang là những bằng chứng sống rất rõ ràng - họ thể hiện tài năng của bản thân và đang sống rất tốt dù chưa từng có tấm bằng đại học trong tay. Và câu chuyện của Steve Jobs, Bill Gates hay Mark Zuckerberg thì có lẽ cũng không còn xa lạ gì với bạn nữa. Rất nhiều bạn trẻ nhìn vào những người như thế này và nghĩ rằng mình cũng nên bỏ đại học để đi làm. Nhưng thật ra không đúng. Trước khi đưa ra bất kỳ quyết định gì, hãy nhớ rằng những người này xuất phát từ những nền giáo dục hàng đầu thế giới và đã có những kỹ năng vô cùng khác biệt và vững chắc để thành công. Họ bỏ đại học đơn giản là vì muốn nắm bắt thời cơ. Steve Jobs vào thời điểm đó đã là một người rất giỏi trong lĩnh vực thiết kế và lập trình, và ông muốn toàn tâm toàn ý tạo ra những sản phẩm để đời. Bill Gates, trước khi bỏ đại học, đã có trong tay đơn đặt hàng đầu tiên từ IBM.
Do đó, để làm được như họ, bạn phải xác định rất rõ ràng và chắc chắn rằng mình giỏi việc gì và mình đã sẵn sàng để làm việc chưa. Nếu câu trả lời là "Có", bạn có thể bỏ đại học để đi làm nếu muốn. Đừng vội bỏ đại học, trừ khi bạn đã có đầy đủ những kỹ năng và kiến thức cũng như đã xác định rất rõ con đường mình sẽ đi.
Nếu bạn vẫn chưa biết mình là ai và mới chỉ thích-thú-ở-lĩnh-vực-này-chút-chút, Sang khuyên bạn nên trải nghiệm đại học để có câu trả lời chắc chắn. Sang từng đọc được một câu nói rất hay rằng: “Nếu bạn không đủ giỏi, đừng đi ngược lại số đông”. Đơn giản vì hành động này đòi hỏi bạn phải chịu được những chỉ trích cũng như những ngờ vực từ người khác. Họ có quyền nghi ngờ thực lực của bạn, loại bạn từ “vòng gửi xe” vì không thấy tên trường đại học trên CV, đòi hỏi bạn làm thêm 2 bài test so với những người có tấm bằng trên tay. Bạn không thể yêu cầu người khác hiểu cho mình ngay từ đầu và tin tưởng bạn vô điều kiện, rằng: “Tôi bỏ đại học nhưng tôi rất giỏi”. Có thể bạn thực sự giỏi, và những người đó sẽ hối hận trong nay mai. Nhưng cũng có thể bạn không hề giỏi như mình nghĩ.
Nếu không có lý do gì bất khả kháng, Sang vẫn tin rằng đại học là một sự đầu tư tốt. Nó chắc chắn sẽ mang lại cho bạn điều gì đó, bên cạnh kiến thức và kỹ năng. Harvard đã cho Mark Zuckerberg người bạn đời, và đã giúp Bill Gates tìm ra CEO tiếp theo của Microsoft – Steve Ballmer. Nhưng một lần nữa, nếu bạn đã đọc hết bài viết này và hiểu các phân tích của Sang, thì theo hay bỏ là lựa chọn của bạn. Chiến binh X.0 là những người mạnh mẽ và có năng lực tự quyết định. Nếu bạn quyết định bỏ đại học, không ai có thể cản bạn, nhưng bạn cần biết cái giá của nó, rằng: Nếu bạn bỏ cuộc giữa chừng, hoặc nếu bạn thất bại, bạn sẽ phải đi rất xa để vòng về con đường cũ. Vì thế, nếu quyết định bỏ đại học, hãy chắc chắn là bạn sẽ thành công.
➖