Câu chuyện xảy ra tại một nhà ga. Những hành khách đang ngồi chờ chuyến tàu của họ. Họ không nói chuyện với nhau, bởi vì bạn biết rồi đấy, chúng ta không nói chuyện với người lạ. Họ chỉ tập trung vào những việc mình đang làm. Nghe nhạc. Đọc sách. Xem phim. Trò chuyện với bạn bè trên chiếc điện thoại thông minh. Xung quanh ồn ào, nhưng là một sự ồn ào dễ chịu. Bỗng nhiên, có một đứa bé chạy vào nhà ga và gào khóc rất lớn. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như bố của đứa bé - người đàn ông xách chiếc túi lủi thủi theo sau không có bất cứ hành động gì để ngăn cản con gái mình. Đứa bé mặc sức la hét trong vài phút, làm phiền đến tất cả mọi người. Cuối cùng cũng có một hành khách không chịu được. Anh ta tiến đến gần người đàn ông và yêu cầu với vẻ bực dọc: "Anh ơi, con anh đang làm phiền tất cả mọi người ở đây. Anh có thể làm gì đó để con anh không làm phiền đến chúng tôi nữa không?". Người đàn ông trả lời với vẻ buồn bã: "Tôi xin lỗi là con tôi đang làm phiền anh và mọi người. Tôi thật sự cũng không biết phải làm gì nữa? Bởi vì vợ của tôi vừa mất trong bệnh viện.
Nếu bạn là người hành khách đến bắt chuyện với người bố, chắc hẳn phản ứng của bạn cũng giống với người hành khách trong câu chuyện. Sửng sốt. Bởi vì khi bạn đến và yêu cầu người đàn ông này làm gì đó để con mình ngừng la hét, "kịch bản" đang có trong đầu bạn là một câu chuyện khác. Đó là câu chuyện về một đứa trẻ được nuông chiều quá mức, và một người bố vô trách nhiệm. Khi tiếp cận người bố, chúng ta đều không ngờ được rằng đằng sau đó là cả một câu chuyện.
Trong cuộc sống, đã bao nhiêu lần bạn đưa ra giả định về người khác? Chúng ta nhìn bề ngoài, biểu hiện của một người để đánh giá những gì đang diễn ra bên trong họ. Chúng ta gán cho đối phương những tính từ, danh từ xuất phát chủ yếu từ định kiến và trí tưởng tượng của chúng ta về thế giới xung quanh. Chúng ta cảm thấy như mình đã quá hiểu họ, trong khi chúng ta chẳng biết bất kỳ điều gì. Lâu dần, chúng ta sẽ mất đi khả năng kết nối với người khác.
Nhưng bạn biết không, chúng ta không thể biết điều gì đang diễn ra bên trong một người, trừ khi ta thực sự trò chuyện với họ. Đưa ra giả định về một ai đó mà không xác nhận với đối phương là tự tước đi của mình cơ hội được làm bạn với những con người thực sự thú vị.
Những mối quan hệ mà Sang có được hầu hết đều bằng đầu như thế: Sang không mặc định người ăn mặc thế này thì chắc chắn sẽ hành xử thế kia, và thay vì suy đoán thì Sang lại gần và bắt chuyện với họ. Đã không biết bao nhiêu lần Sang khám phá ra một người lập trình viên giỏi nhất thế giới bên dưới bộ quần áo cũ và cái máy tính “cùi bắp”. Nhờ bắt chuyện với một anh chàng nhún nhảy theo nhạc trong headphone như thể xung quanh chẳng có ai mà Sang đã được làm bạn với một trong những người đưa những ca sĩ quốc tế về Việt Nam. Tất cả đều là vì Sang thấy họ có vẻ lạ và thú vị, nhưng Sang không suy đoán nguyên nhân, mà thay vào đó, Sang lại gần, và hỏi.
Đối với Sang, mọi câu chuyện đều xứng đáng được lắng nghe. Chúng ta thường không thực sự lắng nghe. Đối phương nói một câu, trong đầu chúng ta đã tràn ngập cả trăm giả thuyết. Chúng ta tiếp xúc với nhau bằng tâm lý phán xét và điều đó không tốt chút nào, trước hết là cho bạn. Lâu dần, bạn sẽ mất khả năng lắng nghe và đồng cảm cùng người khác. Khi thế giới chỉ xoay quanh bạn, bạn sẽ không phát triển được nữa. Bạn chỉ hợp lý hóa mọi thứ để nó đúng với bức tranh mà bạn tạo ra và thế giới mà bạn từng biết. Nhưng thế giới thực ngoài kia thì không vận hành như vậy. Doanh nhân chưa chắc đã mặc vest, đi giày da và xịt nước hoa. Cô gái ngồi khóc một mình trong quán cà phê chưa chắc đã thất tình. Người hàng xóm suốt ngày chửi bới trong nhà chưa chắc đã xấu tính và đanh đá. Khi bạn nhìn vào vẻ ngoài của người khác để đánh giá họ, tự nhiên bạn sẽ nảy sinh cảm giác sợ người ta đánh giá mình qua vẻ ngoài. Vậy là bạn bỏ hàng đống tiền để xe xua ăn diện, chụp những bức ảnh mỹ mãn đăng lên mạng xã hội. Lâu dần, bạn sẽ coi nhẹ cái thực chất của người khác và quên mất việc trau dồi cái thực chất của chính mình. Bạn sẽ trở thành một cái vỏ rỗng, nhìn vào những cái vỏ rỗng khác mà cứ tưởng rằng mình đang hiểu nhân tình thế thái.
Người sếp tương lai của bạn có thể đang ngồi cạnh bạn, nhún nhảy theo nhạc Justin Bieber trong quán cà phê. Người bạn gái tương lai của bạn có thể là cô gái vừa cãi nhau ầm ĩ với bạn trên đường vì một cú đụng xe “lãng nhách”. Bạn tâm giao của bạn có thể là chàng trai ngồi lì một góc trong thư viện. Nếu bạn không cảm thấy cần phải bắt chuyện với họ, thì ít nhất đừng đánh giá họ và gạt bỏ họ khỏi đời mình ngay lập tức. Khi những người có vẻ kỳ lạ đến với đời bạn, hãy chào đón họ và tìm hiểu xem câu chuyện bên trong những con người này là gì.
Con người là thực thể sống rất khó lường và phức tạp. Thế giới đang ngày càng mở, phẳng, và tự do. Giới hạn đạo đức vẫn còn đó nhưng đã đỡ khắt khe hơn so với trước. Trong một thế giới như thế, người ta càng có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân một cách chân thật nhất. Chắc chắn bạn sẽ muốn làm bạn, đồng hành, làm việc cùng những người chân thật. Nhưng con người chúng ta thật kỳ lạ. Chúng ta muốn những con người chân thật, vậy mà khi họ thể hiện dù chỉ một chút cá tính của mình, hoặc thể hiện đúng cảm xúc của họ, người ta lại lên án, phán xét, ép mọi thứ trở về khuôn mẫu.
Đừng vội tin những gì mà đôi mắt của bạn đang nhìn thấy. Bức tranh sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu đi chỉ một miếng ghép. Đôi khi, chính miếng ghép cuối cùng đó mới cho bạn biết thông tin quan trọng nhất. Giả sử, bức tranh mô tả hai người đang giằng co, và mảnh ghép còn thiếu chính là bàn tay của cả hai người đó và con dao. Nếu bạn thiếu mảnh ghép này, bạn không thể biết ai là người đang cầm dao. Vậy là bạn bắt đầu nhìn vào bức tranh và suy đoán. Ai trông có vẻ đàng hoàng hơn? Ai trông có vẻ yếu đuối hơn? Ai có khả năng là người cầm dao cao hơn? Có rất nhiều giả thuyết, nhưng chỉ có một sự thật duy nhất. Trong cuộc sống thường nhật, khi một chuyện xảy đến với bạn, hãy lao vào nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ sự kiện đó. Hãy mở miệng ra và hỏi để có được thông tin. Đừng đưa ra bất cứ giả định hay suy đoán nào, bởi vì tất cả những gì không dựa trên sự thật và dữ liệu thì đều vô nghĩa.
Giả định thật sự nguy hiểm hơn bạn nghĩ. Nó được bạn đúc kết từ trải nghiệm chủ quan của mình và những điều bạn được giáo dục để trở thành. Chúng ta đừng xây những hàng rào ngăn trở mình hiểu thế giới và hiểu những con người xung quanh. Hãy mở rộng lòng mình và đón nhận mọi thứ, như chúng đang là. Khi ta không hiểu ai đó, hãy hỏi, đừng suy đoán! Khi ta không hiểu một sự việc, hãy nghiên cứu và tìm ra bằng chứng, đừng đưa ra bất kỳ giả định nào. Bạn sẽ không thể thành công nếu để định kiến ảnh hưởng đến những lựa chọn của mình. Hãy nhớ rằng, người thành công đưa ra mọi quyết định của họ dựa trên sự thật và dữ liệu.
➖