Có điều gì mà bạn muốn làm từ lâu, nhưng mãi vẫn chưa làm được không? Hoặc là, có thói quen xấu nào mà bạn muốn bỏ từ lâu, nhưng mãi vẫn không thể bỏ?
Bạn biết tại sao bạn không thể làm những điều mà mình mong muốn không? Đó là vì bạn thiếu động lực.
Đối với những điều bạn vẫn luôn muốn làm, bạn thiếu một áp lực để ép mình phải hành động mỗi ngày. Khi không có gì ràng buộc bạn cả, khi không có ai giám sát bạn cả, bạn sẽ cho phép bản thân lười biếng và trì hoãn ngày qua ngày. Bạn không phải đấu tranh trong một môi trường khắc nghiệt, vì thế bạn không có lý do gì để vươn lên.
Còn đối với những thói quen xấu mà bạn muốn từ bỏ thì sao? Bạn thiếu một nỗi sợ để giữ cho mình tránh xa khỏi thói quen đó. Bạn chưa đủ ám ảnh về viễn cảnh tương lai, nếu mình vẫn duy trì thói quen xấu này mỗi ngày. Nói cách khác, bạn cần "bị dọa cho sợ", trước khi có thể thực sự từ bỏ một thói quen xấu.
Vậy, câu hỏi đặt ra là: Làm sao để có động lực? Có công cụ nào giúp chúng ta tạo ra áp lực thúc đẩy bản thân đi lên, đồng thời khiến ta sợ hãi đến mức từ bỏ ngay một thói quen xấu hay không? Đáp án của Sang là "Có". Và công cụ đó có tên là Quality Quantifier, do Anthony Robbins tạo ra. Đây là công cụ mà Sang vẫn luôn sử dụng mỗi khi cần tạo dựng một thói quen mới hoặc từ bỏ một thói quen xấu. Nó đã giúp một người bạn của Sang - người đã hút thuốc suốt 15 năm - bỏ thuốc vĩnh viễn trong vòng 30 phút.
Nguyên lý hoạt động của công cụ này là đánh vào cảm xúc của bạn. Anthony Robbins hiểu rất rõ, cảm xúc sẽ thay đổi hành vi. Chính vì cảm xúc mà chúng ta trở thành nô lệ của thói quen xấu và thói quen tốt thì vĩnh viễn xa tầm với. Nhưng hãy tưởng tượng xem, nếu bạn thay đổi được cảm xúc cũng như động lực trong việc tạo thói quen tốt và bỏ thói quen xấu, bạn sẽ thay đổi được hành động của mình.
Sang sẽ minh họa công cụ này thông qua 2 demo với 2 bạn trẻ: Giúp Quỳnh Như có động lực học đàn guitar và giúp Cơ bỏ thuốc lá. Bạn có thể xem video demo tại đây.
Bước đầu tiên, bạn cần xác định thói quen mà mình muốn tạo dựng. Đó có thể là dự định mà bạn đã ấp ủ từ rất lâu, một thói quen tốt cho sức khỏe mà bạn vẫn luôn muốn thử, môn thể thao mà bạn yêu thích,... Sau đó, hãy hình dung xem vì sao trước đây bạn lại từ bỏ thói quen này. Điều gì khiến bạn thất bại? Đối với Như, điều khiến Như bỏ cuộc là bạn ấy bị đau tay trong những ngày tập đầu, và thầy dạy đàn cho Như là một người khó tính đến mức Như thấy sợ hãi. Vì ký ức đó mà Như vẫn luôn chần chừ việc quay lại với guitar trong một thời gian rất dài.
Tiếp theo, Sang muốn bạn xác định xem, động lực của bạn đang ở đâu trên thang đo -10 đến 10. Đây là một bước rất quan trọng và bạn phải hoàn toàn trung thực với chính mình. Quỳnh Như đã xác định động lực của mình nằm ở mức -3 - nghĩa là khá thấp.
Bước tiếp theo, Sang muốn bạn phải thực sự dùng trí tưởng tượng của mình để hình dung, vì trí tưởng tượng là thứ rất quan trọng khi bạn dùng công cụ Quality Quantifier. Hãy nâng dần mức động lực của bạn lên, và hình dung xem chuyện gì phải xảy ra thì mức động lực của bạn mới tăng được tới con số đó. Lưu ý, sự kiện đó nên đến từ chính bạn, chứ không phải do ngoại cảnh tác động.
Ví dụ, Sang đã hỏi Như rằng: "Hiện tại mức động lực của em đang là -3, vậy chuyện gì phải xảy ra thì động lực của em ở mức 0?". Như đã trả lời rằng để động lực lên được mức 0 thì Như cần một mục đích gì đó cho việc học guitar, và Như đã xác định mục đích đó là sẽ đàn và hát tặng mẹ một bài nhân ngày sinh nhật. Tiếp đến, Sang tăng dần mức động lực lên +3, +7, +10, và Như phải liên tục dùng trí tưởng tượng của mình để hình dung về viễn cảnh. Cuối cùng, Như đã xác định rằng, để động lực của mình tăng lên mức +3 thì Như phải có mục đích mạnh hơn: Quay video bài hát tặng mẹ và đăng lên mạng xã hội. Để động lực ở mức +7 thì Như phải tạo cho mình hoàn cảnh khắc nghiệt hơn nữa, đó là tuyên bố với người thân (trừ mẹ ra) rằng Như sẽ hát tặng mẹ vào ngày sinh nhật và tuyên bố với bạn bè về video sẽ đăng lên mạng xã hội. Khi ai cũng biết dự định của bạn, bạn sẽ có động lực thực hiện điều đó nhiều hơn. Cuối cùng, đối với mức +10, Như đã đặt ra cho mình một áp lực mạnh mẽ nhất: Trình diễn trong một buổi offline trước 100 chiến binh X.0.
Và bạn biết không, Quỳnh Như đã thành công trong việc tập đàn guitar rồi đó.
Đối với việc từ bỏ một thói quen xấu, quá trình cũng tương tự, nhưng hơi ngược lại một chút. Thay vì tăng dần mức động lực thì bạn phải xác định xem điều gì sẽ khiến bạn không còn muốn tiếp tục thói quen xấu này nữa. Cơ từng là một người không thể sống thiếu thuốc lá, trung bình một ngày Cơ hút một gói thuốc. Khi Sang hỏi Cơ rằng, mức động lực của Cơ trong việc hút thuốc là bao nhiêu, thì Cơ đã xác định là 7.
Tiếp theo, Sang hạ dần mức động lực xuống còn 5, 3, -1, -5, -10, yêu cầu Cơ hình dung rằng điều gì khiến Cơ hạ mức động lực. Bạn biết không, thật ra bạn luôn biết câu trả lời đó. Bạn biết thói quen này xấu, và bạn biết bạn sợ điều gì. Tuy nhiên, chính vì bạn chưa bao giờ một lần nhìn trực diện vào nó, nên bạn mới tiếp tục duy trì thói quen xấu này. Ở mức động lực 5, Cơ hình dung rằng lúc này Cơ đã có nhiều việc để làm, nên ít nhớ đến việc hút thuốc hơn. Ở mức động lực 3, Cơ hình dung rằng mình đã có một thú vui nào đó, thậm chí vui hơn cả hút thuốc để thay thế việc hút thuốc. Để hạ mức động lực xuống còn -1, Cơ nói rằng Cơ cần phải là một phần của một cộng đồng nào đó không hút thuốc. Cộng đồng đó có thể là nhóm bạn bè hay môi trường công sở. Khi có ai đó "giám sát" bạn, bạn sẽ hạn chế những thói quen xấu. Đối với mức -5 thì nỗi sợ bắt đầu tăng cao. Cơ hình dung về những căn bệnh mà mình sẽ mắc phải nếu duy trì việc hút thuốc, như viêm phổi hay ung thư phổi. Hãy tin Sang, nỗi sợ là yếu tố quan trọng nhất trong việc thúc đẩy hành động. Bạn sẽ hành động mãnh liệt nhất khi bạn sợ cái gì đó nhất. Đối với mức -10, nghĩa là tương đương với việc bỏ thuốc hẳn, Sang yêu cầu Cơ hình dung về một viễn cảnh mà mình sợ nhất. Đó có thể là mất đi một người thân yêu, cơ thể bị biến dạng do bệnh tật,...
Bạn hãy nhớ, khi bạn hình dung về mức -10, hãy nhắm mắt lại và thực sự tưởng tượng điều đó đang xảy đến. Hãy hình dung chi tiết đến mức bạn sợ hãi tột độ, bởi vì đó sẽ là thứ khiến bạn không bao giờ dám duy trì thói quen xấu nữa. Người đã thành công bỏ thuốc mà Sang nhắc đến ở đầu bài viết đã hình dung viễn cảnh này vô cùng chân thực. Anh tưởng tượng ra cảnh mình đến đám cưới của bản thân trên chiếc xe lăn, và đang mang trong mình căn bệnh ung thư. Từ đó trở về sau, chỉ cần động vào gói thuốc, hình ảnh đó ngay lập tức hiện về, và anh không bao giờ dám hút thêm một điếu thuốc nào nữa.
Khi sử dụng thành thạo công cụ này, bạn sẽ thấy thật ra không quá khó để bắt đầu một việc gì đó, cũng như từ bỏ một thói quen xấu nào đó. Chỉ cần có đủ lý do, hành động trở nên không còn gì khó khăn, vì bạn biết bạn phải làm được điều này bằng mọi giá. Hãy thử công cụ này nhé, vì Sang đã thành công và đã giúp được rất nhiều người bằng công cụ này rồi.
➖