Thích nghi với trạng thái Bình Thường Mới là lựa chọn duy nhất
Chúng ta đều biết rằng đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới phải điêu đứng, nhưng về cơ bản, nó đã cho chúng ta thấy trước một quang cảnh của tương lai. Nói như Scott Galloway – tác giả cuốn sách The Four nổi tiếng – "Một con virus với kích thước chỉ bằng 1/400 sợi tóc đã tóm được một quả cầu nặng 13 tỷ triệu triệu tấn và khiến quả cầu này quay nhanh gấp 10 lần”.
Những gì chúng ta đang chứng kiến trong hiện tại chính xác là những gì sẽ xảy ra vào năm 2030, khi những công ty đầu ngành sẽ thâu tóm toàn bộ thị trường, công nghệ trở thành “cổng” kết nối toàn bộ con người, và thị trường việc làm trở nên ít khoan nhượng hơn với những cá thể phát triển ở tầm trung, người giàu sẽ càng giàu và người nghèo sẽ càng nghèo. Nếu thế giới chuyển mình từ từ đúng như “lịch trình” vốn dĩ của nó, chúng ta sẽ chạm mốc 2030 với chính những kết quả này, theo một cách ít đột ngột hơn, con người cũng sẽ ít điêu đứng hơn vì đã có sự chuẩn bị.
Nhưng đùng một cái, đại dịch xuất hiện. Không ai trong chúng ta chuẩn bị cho điều này.
Những điều không thể tin nổi đã xảy ra. Thế giới đã mất 20 năm (từ năm 2000 đến năm 2020) để tăng doanh số bán lẻ qua các kênh trực tuyến lên 16%, nhưng chỉ mất có 8 tuần để con số này tăng vọt lên 27%. Apple, Google, Amazon phát triển vượt trội và đạt mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Thái độ mua sắm của con người đột nhiên thay đổi. Những mặt hàng thiết yếu trở nên khan hiếm. Con người bỗng nhiên nhìn hàng hóa xa hoa với một con mắt khác. Người trẻ sau những tháng được tiếp cận với nền giáo dục gọn-nhẹ-rẻ nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên hoài nghi những gì mà mình từng tin tưởng: Vì sao tôi phải bỏ ra cả ngàn đô cho một kỳ đại học? Thật sự thì, đại học cần thiết đến thế sao?
Còn tại Việt Nam, các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee,... và các dịch vụ vận chuyển như Now, Ahamove,... bỗng đạt được thành công vượt bậc với số lượng bán hàng gấp nhiều lần so với những năm trước. Công nghệ, vốn được xem là quan trọng nhưng không thiết yếu, bỗng nhiên trở thành cổng kết nối duy nhất cho những hoạt động đơn giản nhất. Đại dịch xảy ra, và không còn thời gian cho những ai vẫn đang giữ suy nghĩ rằng sẽ thích-ứng-từ-từ. Trong thời đại này, dù bạn là một người làm thuê hay đang điều hành một doanh nghiệp, bạn đều phải làm chủ được công nghệ.
Sang tin rằng rất nhiều người vẫn đang nghĩ rằng đại dịch sẽ chóng qua và mọi thứ có thể trở về trạng thái “bình thường”. Đúng là với sự dốc sức của toàn thế giới, đại dịch sẽ qua. Nhưng đáng tiếc là điều “bình thường” mà bạn đang mong chờ chắc chắn sẽ không bao giờ quay trở lại. Thế giới sẽ không bao giờ có thể trở về trạng thái như trước năm 2020.
Nếu tình huống đó xảy ra, chúng ta phải làm thế nào? Bạn đã bao giờ tự đặt câu hỏi này cho chính bản thân mình chưa?
Câu trả lời của Sang là: Bạn chỉ có một cách duy nhất, đó là thích nghi.
Trước cơn khủng hoảng, có những người sẽ tìm cách chạy trốn, có những người sẽ cầu mong cho sóng gió nhanh qua. Người tỉnh táo là người đối diện với cơn khủng hoảng ấy và tìm cách “sống” với nó. Con người là những sinh vật rất giỏi trong việc thích nghi với những hoàn cảnh mới. 80 năm trước, không ai có thể ngờ rằng trong tương lai, 85% dân số thế giới sẽ gần như phụ thuộc vào một thiết bị được gọi là máy-tính để hoàn thành công việc. Bạn cũng có thể thích nghi được với trạng thái Bình Thường Mới này nếu biết những xu hướng sẽ xuất hiện trong tương lai gần và tình hình trên thế giới rồi sẽ đi đến đâu.
Người Eskimo có câu: “Bão là thời gian để đi đánh cá”. Sang rất tâm đắc với câu nói này. Cơn bão chính là một Nguy Cơ, mà Nguy Cơ thì luôn tiềm ẩn Nguy Hiểm và Cơ Hội. Trong khi những người khác chỉ tập trung vào những Nguy Hiểm mà cơn bão có thể mang lại và sợ hãi tìm chỗ tránh bão, thì chúng ta nên là những người nhìn thấy Cơ Hội khi hàng loạt “đối thủ” biến mất và sự cạnh tranh cũng giảm đi rất nhiều.
Ra khơi vào đúng lúc đại dương nổi bão, chúng ta sẽ là những người đánh được nhiều “cá” hơn bất cứ ai.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, chúng ta phải làm gì để nắm bắt cơ hội làm giàu trong thời đại 4.0, trong Covid và hậu Covid?