Đã bao giờ bạn chơi đuổi bắt với nỗi sợ hãi của mình?
Khi đụng độ nỗi sợ, né tránh và bỏ chạy lập tức trở thành giải pháp hợp lý, giúp bạn giải quyết nỗi sợ ngay lập tức. Nhưng bạn có để ý không? Rằng có vẻ như, chính hành động chạy trốn của bạn đang kích thích nỗi sợ quay trở lại, và ngày một lớn mạnh hơn. Rằng, hình như cứ mỗi lần chạm mặt nó, bạn lại càng đau đớn, run sợ hơn? Khi bạn coi nỗi sợ như một mối uy hiếp, khi bạn cho phép nó được "nằm kèo trên", bỗng nhiên, bạn khuỵu xuống đó, để mặc nó làm gì thì làm.
Từ lâu lắm rồi, Sang đã không còn coi nỗi sợ như một thứ phải trốn chạy. Vì Sang biết một khi Sang để mình tham gia cuộc rượt đuổi này với vai trò là con mồi, Sang sẽ mãi mãi là con mồi của nó. Trốn được nó rồi, thì sao nữa? Nó sẽ quay lại với Sang vào một ngày không xa. Thậm chí, nó sẽ vĩnh viễn đứng ở đằng sau Sang như một con quái vật khổng lồ chỉ chực chờ xông tới. Và Sang sẽ vĩnh viễn nhìn nó như một nỗi ám ảnh không thể vượt qua.
Ngược lại, Sang nhìn nỗi sợ như cánh cổng dẫn vào một thế giới mới. Khi nỗi sợ hiện diện, Sang biết rằng chỉ cần mình chinh phục được nó, vượt qua nó, Sang sẽ có được phần thưởng xứng đáng. Bạn biết không, phần lớn những kho báu mà bạn tìm kiếm trong đời đều nằm đằng sau nỗi sợ của bạn. Nếu Sang không vượt qua nỗi sợ nói trước đám đông, sẽ không ai biết đến quan điểm của Sang về thành công, và do đó Sang cũng không thể sản xuất những khóa học về phát triển bản thân như hiện tại. Nếu Sang không vượt qua nỗi sợ phải chiến đấu một mình ở xứ người, thì Galatek mà bạn biết ngày hôm nay đã không tồn tại. Nếu Sang không mạnh dạn tỏ tình với cô gái mà mình đã yêu sau 8 tiếng, thì Sang đã không có được người bạn đời tuyệt vời như vợ Sang hiện tại. Vì vậy, khi nỗi sợ có mặt, hãy nhìn nó như một tín hiệu tích cực - một tín hiệu cho thấy bạn sắp rũ bỏ con người cũ để trở thành một con người mới.
Hãy nhìn những đứa trẻ mà xem. Tại sao có những đứa trẻ luôn sợ hãi mọi thứ xung quanh? Đó là vì từ nhỏ, bố mẹ nó đã dạy nó phải nhìn mọi thứ bằng con mắt sợ hãi và cảnh giác. Và kết quả là gì? Là khi nó bị một con kiến cắn, nó sẽ vĩnh viễn sợ hãi con kiến. Còn những đứa trẻ được dạy rằng hãy đứng lên sau khi té đau, hãy nhìn nỗi sợ hãi như một ngọn núi phải chinh phục chứ không phải cục đá chỉ chực chờ đè bẹp mình, nó sẽ lớn lên với đầy những vết trầy xước trên người, và với một trái tim không sợ gì cả. Bạn cũng thế. Nếu cứ mỗi lần nỗi sợ hãi đến với bạn, bạn lại bỏ chạy, thì bạn sẽ vĩnh viễn sợ thứ đó. Sẽ không có ngày nào trong đời bạn mà bạn ngưng ám ảnh về thứ đó. Điều Sang muốn bạn làm là, một lần thôi, đừng chạy trốn khi chạm trán nỗi sợ. Hãy để nó đi theo bạn, bao lâu cũng được, rồi đến một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra, nó không còn làm phiền đến cuộc sống của bạn nữa. Hay nói đúng hơn là sự hiện diện của nó không còn mang tính đe dọa đối với bạn nữa.
Đôi khi, thứ ở trước mắt bạn không đáng sợ như bạn vẫn nghĩ. Bạn chỉ sợ những gì mình tưởng tượng ra trong đầu. Khi nói chuyện ở một buổi diễn thuyết, bạn sợ vì bạn nghĩ rằng những người ngồi bên dưới sẽ cười nhạo bạn. Khi thuyết trình tại buổi họp công ty, bạn tưởng tượng ra cảnh đồng nghiệp và cấp trên sẽ phán xét bạn. Bạn đang sợ những viễn cảnh chưa chắc sẽ xảy ra. Như vậy, điều bạn cần làm không phải là tiếp tục sợ hãi, mà là chuẩn bị thật kỹ để những viễn cảnh đó không bao giờ xảy ra. Nếu bạn sợ rằng bạn sẽ bỏ quên tài liệu ở nhà trước buổi thuyết trình, hãy đứng dậy và bỏ sẵn tài liệu vào cặp. Nếu bạn sợ mình sẽ lắp bắp suốt 30 phút nói chuyện, hãy đứng trước gương và luyện tập đến khi nào bạn không lắp bắp nữa thì thôi. Nếu bạn sợ mọi người sẽ cười chê mình, hãy chuẩn bị kỹ đến nỗi những người khó tính nhất cũng không thể phàn nàn gì nữa.
Khi Sang nói với ba mẹ rằng Sang muốn là một người có thể tự tin đứng trên sân khấu và nói chuyện với nhiều người, ba mẹ đã không tin Sang. Vì một lý do đơn giản: Hồi đó, Sang không thể làm gì được khi đứng trước đám đông. Thậm chí, việc đứng trước lớp để đọc một bài essay được viết sẵn cũng khiến Sang toát mồ hôi. Năm đó Sang 18 tuổi, và học chung lớp tiếng Anh với những đứa 12, 13 tuổi. Khi những đứa nhỏ hơn mình rất nhiều cười ồ lên trước sự lúng túng và run rẩy của Sang, Sang biết rằng mình buộc phải vượt qua nỗi sợ này trong đời.
Sang qua Mỹ, có cơ hội được học một lớp tâm lý học về sức mạnh ý chí, đó là lúc Sang phát hiện ra rằng, hóa ra những người nói chuyện trơn tru trên sân khấu mà Sang ngưỡng mộ cũng có trong mình những nỗi sợ giống như Sang. Họ cũng hồi hộp khi sắp bước lên sân khấu dù trước đó đã diễn thuyết hàng trăm lần. Sang chợt nhận ra, nỗi sợ là một điều vô cùng bình thường, thậm chí là một điều tất yếu. Nó đã không thể ngăn cản những diễn giả hàng đầu thế giới chia sẻ những bài học truyền cảm hứng, dù thực tế họ vẫn rất run. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng đã giúp họ vượt qua nỗi sợ hãi để hành động, vì họ biết, một khi họ bước lên kia, họ sẽ làm tốt bài diễn thuyết của mình. Thế nên, nếu bạn đã chuẩn bị kỹ, không có lý do gì mà nỗi sợ lại trở thành một vật cản trên hành trình của bạn. Nếu bạn biết rằng chỉ vài ba giây nữa thôi, bạn sẽ không còn sợ hãi như lúc này nữa, liệu bạn có dám đối diện với nỗi sợ hiện tại của mình?
Sợ hãi là chuyện xảy ra với tất cả chúng ta, dù bạn đã có sự chuẩn bị tốt đến đâu. Những người thành công không phải là những người chẳng sợ gì cả ngay từ đầu, cũng không phải là những người giỏi đến mức thành ra không sợ gì cả. Họ cũng sợ chết khiếp đi được! Nhưng họ là những người chọn vượt qua thay vì bỏ chạy. Đúng vậy, nỗi sợ chính là tấm sàng lọc đáng tin cậy nhất, quyết định ai sẽ là người bứt phá giới hạn, và ai sẽ là người dừng chân. Bạn không muốn làm người dừng chân, Sang tin điều đó. Vậy thì bây giờ bạn hãy hành động đi. Hãy nhận diện một nỗi sợ nào đó đã đeo bám bạn trong suốt một khoảng thời gian dài, và thử đối diện với nó. Cứ để nó đi theo bạn, đến khi nào nó muốn. Rồi bạn sẽ thấy, bạn không còn cầu mong sự vắng mặt của nỗi sợ nữa, bởi vì sự có mặt của nó cũng không khiến bạn bớt mạnh mẽ đi.
:::danger
Chiến Binh X.0 hãy xác định cơn ác mộng của bạn, điều tồi tệ nhất nào có thể xảy ra nếu bạn làm những gì bạn đang cân nhắc?
💡 Khi bạn dự định tạo ra một sự thay đổi có sức ảnh hưởng lớn mà bạn có thể làm hoặc cần phải làm, thì điều gì khiến cho bạn cảm thấy hoài nghi và sợ hãi?
Ví dụ:
"Tôi muốn nghỉ làm ở công ty này nhưng nếu lỡ ba mẹ tôi sẽ cảm thấy thất vọng thì sao? Nếu lỡ tôi không thể tìm một công ty tốt hơn thì sao? Nếu lỡ.. Nếu lỡ.. Và nếu lỡ..?"
💡 Hình dung cơn ác mộng này một cách chi tiết.
:::
➖