“Mình có nên xin việc ở công ty này không? Chắc là thôi vậy, vì có lẽ họ sẽ không nhận sinh viên mới ra trường.”
“Mình có nên ngỏ lời với cô bạn cùng lớp không? Chắc là thôi vậy, chắc cô ấy sẽ từ chối thôi.”
“Mình có nên nhờ anh A giúp đỡ trong dự án lần này không? Chắc là thôi vậy, anh cũng bận khá nhiều việc, làm gì còn thời gian mà giúp đỡ mình.”
Nếu bạn từng có những suy nghĩ tương tự thế này, thì Sang có một câu chuyện muốn kể với bạn.
Năm 2017, Sang qua Hong Kong để tham dự một hội nghị lớn về công nghệ. Đó cũng là dịp hiếm hoi trong năm mà Sang được gặp Qun – người CTO cùng công ty, nhưng vì cách biệt về địa lý mà hai anh em rất ít gặp nhau. Lúc đó là khoảng 6 giờ tối, Sang và Qun đang đi dạo ở Habor City thì Sang nhìn thấy một nhà hàng rất nổi tiếng tại Hong Kong. Sang đã biết đến nhà hàng này từ rất lâu. Họ phục vụ món ăn ngon tuyệt, và thực khách phải đặt chỗ trước 1 tuần. Lúc đó, Sang để ý thấy có vài bàn còn trống. Trong đầu Sang bỗng nảy ra một ý tưởng điên rồ: Sang muốn mời Qun ăn tối ở nhà hàng này, ngay lập tức. Qun không mấy tin rằng Sang có thể thuyết phục được họ “phá lệ” cho mình, nhưng Sang thì nghĩ rằng: Làm sao biết được họ có đồng ý hay không khi ngay từ đầu mình đã không hỏi?
Sang tiến đến gần người tiếp tân, trình bày hoàn cảnh của mình, rằng Sang là khách du lịch và chỉ có thể ở lại Hong Kong trong vài ngày, vì thế họ có thể nào “du di” một chút để Sang được dùng bữa ở một trong những bàn còn trống hay không. Người tiếp tân ban đầu từ chối, vì bàn còn trống đó đã có khách đặt lúc 7h30 tối. Nhưng Sang không bỏ cuộc, Sang cam kết với bạn ấy rằng sẽ kết thúc bữa tối trong vòng 1 tiếng và không làm ảnh hưởng đến vị khách đã đặt bàn trước. Sang cũng nói thêm rằng nếu bạn lo lắng mình không thể tự quyết được chuyện này thì có thể cho Sang gặp người quản lý của bạn được không. Và khi người quản lý nghe câu chuyện của Sang, cô ấy đã “đặc cách” cho Sang.
Chỉ bằng cách “mở miệng trình bày vấn đề và mong muốn của mình”, Sang đã có khoảng thời gian đáng nhớ với Qun – người đồng nghiệp mà Sang vô cùng quý mến. Bữa tối hôm đó đã diễn ra rất vui vẻ, và thức ăn thì rất ngon.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta đi tìm giải pháp ở những nơi rất xa, hoặc nghĩ rằng vấn đề của mình là không thể giải quyết được, mà không thử làm một điều rất cơ bản để có trực tiếp câu trả lời: HỎI. Một người bạn của Tony Robbins đã học được cách kiếm 2 triệu đô-la, chỉ đơn giản nhờ vào việc "mở miệng ra và hỏi". Khi ông biết rằng mình muốn kiếm được 2 triệu đô-la, ông đã tìm đến người triệu phú trong vùng và trực tiếp đề nghị: Hãy cho tôi làm việc với ông, tôi sẽ giúp ông kiếm được 2 triệu đô-la mà không cần trả lương, chỉ với một điều kiện là khi tôi kiếm được số tiền đó thì ông sẽ trả cho tôi 1 triệu đô-la. Bằng cách này, ông ấy có được cơ hội làm việc cho một trong những người giàu có nhất vùng, học được những bí quyết kinh doanh có một không hai. Một năm sau, người bạn này của Tony Robbins đã kiếm được cho người chủ 4 triệu đô-la, và thu về 2 triệu đô-la như thỏa thuận. Rất ít người nhận ra rằng, thực chất ông ta đã kiếm được khoản tiền này dựa trên chính những gì học được từ người triệu phú đó, và một năm trải nghiệm đó đã trở thành nền tảng để ông có được thành tựu sau này.
Bằng cách hỏi, và hỏi đúng người, người bạn của Tony Robbins đã đạt được điều mà ông muốn chỉ sau một năm. Đa số chúng ta thường phạm 2 sai lầm: một là không chịu hỏi, hai là hỏi sai người. Sang từng nghe về một hiệu ứng tâm lý rất thú vị mà mỗi chúng ta đều có: Vào buổi tối, khi bạn đánh rơi một đồng xu, bạn không đi tìm đồng xu đó ở nơi đã làm rơi, mà ưu tiên đi tìm đồng xu ở những nơi có ánh đèn chiếu vào. Tương tự, khi bạn có một câu hỏi, bạn không đi tìm câu trả lời từ những người có thể giải đáp được nó, mà đi tìm từ những người bạn dễ tiếp cận và bạn cảm thấy an toàn để hỏi. Khi lên ý tưởng khởi nghiệp, bạn hỏi bố mẹ bạn - những người ủng hộ bạn vô điều kiện, nhưng cả đời chưa bao giờ khởi nghiệp, thay vì tìm gặp những người đã thành công và thẳng thắn đặt câu hỏi cho họ. Đó là một sai lầm. Hãy đặt câu hỏi cho đúng người, và bạn sẽ nhận được câu trả lời.
Trong cuộc sống của bạn, đã bao nhiêu lần bạn có một ý tưởng hay, một đề nghị hợp tác thực sự hấp dẫn, một lời thừa nhận,... và đã không nói ra? Đã bao nhiêu lần bạn chôn chặt những ý nghĩ của mình vì sợ người khác sẽ đánh giá, soi mói, cười nhạo, chế giễu? Chúng ta thường có xu hướng im lặng trước những mong muốn của bản thân, và chờ đợi người khác ngỏ lời trước. Chúng ta mong chờ đối phương nói với mình "Bạn có ổn không? Có cần giúp đỡ gì không?", vì đó là dấu hiệu cho thấy họ sẵn lòng đưa tay ra với ta. Chúng ta sợ rằng đề nghị của mình có thể vô lý, ngược ngạo, khó coi. Tuy nhiên, qua nhiều lần mở miệng hỏi và đã có được chính xác cái mà mình muốn, Sang thật lòng khuyên bạn, rằng khi bạn không biết đối phương nghĩ gì về đề xuất của mình, hãy hỏi. Bởi vì bạn không thể biết được người khác sẽ phản ứng thế nào, trừ khi bạn cho người đó một cơ hội để phản ứng. Nếu ý tưởng của bạn thực sự quá đáng và điên rồ, người đó sẽ từ chối bạn. Nhưng trong đời Sang, đã có vô số lần Sang mở miệng và đặt ra những lời đề nghị nghe có vẻ điên rồ, nhưng câu trả lời thì không lần nào khiến Sang cảm thấy thất vọng. Vấn đề, cách đó ít phút, còn là một điều thực sự to tát, nhưng lại được giải quyết gọn ghẽ chỉ qua một câu hỏi mà thôi.
Vốn dĩ, giúp đỡ lẫn nhau là cách vận hành của thế giới. Trong chúng ta, không ai có thể phát triển một mình. Nếu bạn muốn người khác đưa bàn tay của họ ra với mình, bạn phải nói ra trước đã. Hãy dẹp cái tôi đầy tự ái và nỗi sợ bị từ chối qua một bên, và trình bày vấn đề của mình cho người khác. Từ xưa đến nay, trở ngại lớn nhất của con người không xuất phát từ người khác, mà xuất phát từ chính mình. Chỉ là một câu hỏi mà thôi, vốn dĩ chẳng có gì quá to tát. Nhưng nội tâm của bạn lại vẽ ra hàng loạt những viễn cảnh đầy bẽ bàng và kích thích nỗi sợ bị từ chối của bạn ngày một lớn lên. Nó nói với bạn rằng bạn đừng mở miệng, vì thứ mà nó sợ nhất là ánh mắt dè bỉu của người khác. Nhưng người khác không bận tâm đến bạn như bạn nghĩ đâu. Nếu đề nghị của bạn hợp lý, họ sẽ giúp bạn. Nếu họ không muốn, họ sẽ từ chối. Và họ sẽ nhanh chóng quên đề nghị đó đi.
Vì thế, đừng im lặng nữa. Hãy hỏi bất kỳ điều gì bạn đang thắc mắc. Hãy trình bày bất kỳ ý tưởng nào mà bạn đang có trong đầu. Hãy đưa ra những đề nghị mà bạn nghĩ rằng có lợi cho cả bạn và họ. Chúng ta đừng dò đoán xem phản ứng của đối phương, vì không cần thiết phải như thế. Hãy thẳng thắn chia sẻ tất cả những gì bạn đang có trong đầu, và tiếp nhận phản hồi từ người đối diện bằng cái đầu mở.
Chẳng phải đáng tiếc lắm sao, khi cơ hội chỉ cách bạn đúng 7 chữ: "Bạn nghĩ sao về đề nghị này..."?
➖