Bạn từng nghe tới hội chứng FOMO – Fear Of Missing Out, hay còn gọi là “nỗi sợ bị bỏ lỡ” chưa?
Ngày nay, có nhiều người đang mắc phải hội chứng này. Nó là thứ khiến người ta không thể tập trung vào một nhiệm vụ, liên tục bay nhảy từ vùng đất này sang vùng đất khác. Hoặc tệ hơn, nó khiến người ta tự đặt áp lực cho bản thân, rằng mình phải giỏi mọi thứ thì mới có thể thành công. Bằng một cách nào đó, FOMO đã hạ thấp sự tự tin của người trẻ, và khiến họ không thể tập trung vào lĩnh vực mà họ giỏi nhất.
Lúc còn bé, ba mẹ Sang cũng muốn Sang “văn võ song toàn” lắm. Nhưng thiên hướng công nghệ và kỹ thuật bộc lộ trong Sang từ rất sớm. Khi còn là một cậu nhóc, Sang đã biết mình nên tập trung vào đâu và không nên dành quá nhiều thời gian cho thứ gì. Hồi đó còn nhỏ, Sang chỉ nghĩ đơn giản “Mình không thích thì mình không làm”. Sau này lớn lên rồi Sang mới hiểu được rằng, sự hấp dẫn của những điều mình chưa biết có thể là vật cản lớn nhất ngăn bạn trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực bạn đã biết. Vì sao? Vì thời gian của chúng ta là hữu hạn, và vũ trụ cho mỗi người đúng 24 giờ mỗi ngày. Nếu bạn dùng phần lớn 24 giờ đó để phát triển lĩnh vực là sở trường của mình, dần dần, bạn sẽ trở thành một trong những người giỏi nhất trong lĩnh vực đó. Trên thực tế, không ai có thể giỏi mọi thứ. Thiên tài cũng có những sở đoản nhất định trong các lĩnh vực không thuộc chuyên môn của anh ấy/cô ấy. Vì vậy, thực ra bạn không cần phải giỏi tất cả để trở thành một người thành công đâu.
Song, không phải ai cũng xác định được lĩnh vực mà mình muốn dấn thân vào. Hãy yên tâm là trong quá trình sống và làm việc, đến một ngày nào đó, bạn sẽ tìm ra đam mê của mình. Vì Sang tin là trong chúng ta luôn tồn tại những hạt giống chờ đến ngày mọc thành cây. Nhưng khi hạt giống ấy chưa mọc thì sao? Thì trước mắt, bạn hãy xác định cho mình một mục tiêu trong cuộc sống và phấn đấu vì mục tiêu đó đã. Ví dụ, mục tiêu trong cuộc sống của bạn là kiếm được 15 triệu mỗi tháng, hoặc bạn muốn làm việc tự do mà không phụ thuộc vào bất cứ công ty nào. Sau khi đã có mục tiêu của mình rồi, hãy chọn những ngành nghề phù hợp để giúp bạn đạt được mục tiêu đó. Khi bạn chưa biết đam mê của mình là gì, hãy trải nghiệm trước đã, rồi bạn sẽ nhận ra sớm thôi.
Còn đối với những người đã xác định được mình muốn làm gì (và có quá nhiều cái muốn làm), Sang khuyên bạn nên thực hiện từng cái một. Đương nhiên, "từng cái một" mà Sang muốn nói ở đây là từng kỹ năng rồi mới đến từng lĩnh vực. Chứ không học và làm nhiều thứ cùng 1 lúc. Ngày nay, để thành công, bạn không thể chỉ nắm trong tay duy nhất một kỹ năng. Nhà quản lý nào khi tuyển dụng bạn cũng kỳ vọng bạn có một skill set (gói kỹ năng) để có thể làm việc tốt. Nếu bạn chỉ giỏi viết mà không giỏi lên kế hoạch, làm việc nhóm, thấu hiểu insight người đọc,... rốt cuộc, tác phẩm của bạn sẽ không bằng tác phẩm của một người biết những điều trên, đó là chưa kể đến hiệu quả và tốc độ làm việc. Trong thời đại này, bạn vẫn nên học càng nhiều kỹ năng càng tốt. Tuy nhiên, hãy học những kỹ năng phục vụ cho mục đích và lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi.
Theo đuổi nhiều lĩnh vực cùng lúc lại là chuyện khác. Nếu bạn chưa đứng vững trong một lĩnh vực, đừng vội nhảy sang lĩnh vực tiếp theo. Hãy tưởng tượng năng lượng của bạn cũng giống như tia lazer vậy. Bạn buộc phải nhắm vào đúng một điểm thì mới đâm thủng được điểm đó. Khi bạn không cố định tia lazer của mình mà nhắm vào quá nhiều đích cùng một lúc, rốt cuộc sẽ chẳng có cái lỗ nào được đục thủng cả. Bạn có quyền nhắm vào nhiều lĩnh vực, nhưng hãy tập trung vào làm-tốt-từng-cái-một. Đó là quy luật. Trong Thời đại kỹ năng, khi mà chất lượng được đặt lên hàng đầu và bạn phải cạnh tranh với quá nhiều người, quy luật này lại càng đúng.
Giống như Sang, ngoài lĩnh vực công nghệ, Sang cũng nhận ra tầm quan trọng của giáo dục và muốn theo đuổi giáo dục. Nhưng Sang biết rằng rằng nếu nhắm tia lazer vào 2 điểm, rốt cuộc sẽ chẳng có điểm nào thủng cả. Nếu theo đuổi cùng lúc hai sứ mệnh đầy khó khăn như thế, Sang biết rồi Sang cũng chẳng thể đi đến đâu trong cả hai. Vì vậy, Sang quyết định theo đuổi công nghệ trước, sau đó dùng sức lan tỏa mạnh mẽ của công nghệ để mang giáo dục tới gần hơn với bạn. Bạn thấy đó, khi Sang đã đứng vững trong lĩnh vực công nghệ và tìm ra được giao điểm giữa công nghệ và giáo dục, dường như việc theo đuổi giáo dục của Sang dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều.
Còn nếu chưa tìm được một lĩnh vực duy nhất mà bạn muốn thực hiện, trước tiên, hãy học những kỹ năng cần thiết trong thời đại 4.0. Đó là xuất phát điểm rất tốt để bạn dần dần khám phá nhiều hơn về bản thân. Khi bạn chưa chắc mình muốn gì, hãy thử mọi thứ. Ít nhất, bạn sẽ có được nền tảng tài chính ổn định và rất nhiều skill set làm công cụ cho tương lai. Bằng cách này, coi như bạn đã dọn sẵn đường để khi tìm ra được điều mà mình muốn tập trung vào, bạn sẽ không còn gặp nhiều khó khăn nữa.
➖