Ở bài trước, Sang đã hướng dẫn bạn cách thiết lập WHY. Vậy sau khi đã có WHY, bạn cần làm gì tiếp theo để có thể tự học hiệu quả?
Câu trả lời là: Một dự án thực tế.
Ưu điểm khi bạn có một dự án thực tế là bạn biết ngay lập tức những gì mình đang học sẽ hỗ trợ như thế nào cho công việc của mình. Khi vừa học vừa làm, bạn cảm thấy phấn khởi vì bạn luôn được xác nhận rằng "À, những gì mình học là hữu dụng và nó vẫn đang phục vụ cho công việc của mình". Khi bạn vui vẻ với hành trình học này, bạn sẽ học rất nhanh. Sẽ không còn những ngày bạn vùi đầu vào sách và các khóa học, tự hỏi tại sao tôi ở đây và tôi học những thứ này để làm gì. Bạn ngay lập tức kiểm chứng được chúng trong thực tế.
Dự án thực tế ngày đó mà Sang có là Stand Pro. Nếu không có dự án thực tế này, có lẽ Sang sẽ không bao giờ biết thiết kế 3D, dựng website, cách dùng máy cơ, cách sắp xếp đèn, quay video, chỉnh video, chỉnh màu, chỉnh âm thanh,... Chính vì có một dự án đang đợi Sang hoàn thiện, nên Sang buộc phải học và thực hành liên tục. Nhờ đó, Sang vẫn nhớ những gì mà Sang đã học được ngày đó cho đến tận hôm nay.
Khi nhìn vào dự án Stand Pro, bạn sẽ thấy nó như một khối khổng lồ không thể thực hiện nổi. Từ con số 0, Sang phải hiện thực hóa một sản phẩm và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Từ khởi điểm đó cho đến điểm cuối hành trình, có hàng chục nhiệm vụ nhỏ khác mà Sang phải thực hiện. Vậy thì chúng ta đừng nhìn dự án như một khối khổng lồ. Chúng ta hãy nhìn nó như tập hợp của rất nhiều nhiệm vụ nhỏ hợp lại. Còn nhớ Sang đã nói là chúng ta có thể ăn một con voi chứ? Đa phần chúng ta sẽ nghĩ rằng việc ăn một con voi là chuyện không tưởng. Nhưng nếu chia nhỏ con voi ra thành từng phần, việc ăn nó trở nên rất dễ dàng và chỉ là vấn đề thời gian.
Song, điều quan trọng hơn là, khi bạn đã chia nhỏ dự án lớn thành từng nhiệm vụ nhỏ rồi thì hãy đặt ra deadline cho nó. Khi có một deadline cụ thể, khi đã có áp lực thời gian, cơ thể của bạn sẽ tìm mọi cách để bạn hoàn thành mục tiêu. Hãy nhớ về câu chuyện của Steve Jobs và Parkinson Law mà Sang từng đề cập. Ông ấy là người đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, một dự án mà bạn cứ ngỡ phải hoàn thành trong một tháng thực chất có thể hoàn thành trong 2-3 tuần. Và dự án mà bạn cứ ngỡ phải hoàn thành trong 2 tuần thực ra có thể xong trong 1 tuần. Hãy đặt ra những deadline cụ thể, đủ gây sức ép để bạn phải chạy thật nhanh, và gắn chúng vào những mini-project mà bạn đã đặt ra. Cứ yên tâm, chỉ cần bạn chịu làm, rồi bạn sẽ ăn được con voi thôi. Bởi vì những người thành công cũng ăn con voi bằng cách đó, không còn cách nào khác.
Khi làm dự án Stand Pro, Sang cũng chia kế hoạch lớn đó thành từng mini-project (kế hoạch nhỏ). Khi đã biết thời điểm ra mắt sản phẩm, Sang đặt mục tiêu khi nào phải xong thiết kế 3D, khi nào xong mô hình, khi nào xong website,... Việc tự học của bạn cũng vậy. Bạn hoàn toàn có thể chia nhỏ nó ra để làm từng bước một. Ví dụ như nếu bạn đặt mục tiêu học viết để viết blog, bạn có thể đặt deadline học làm website, học cách viết headline, học cách viết nội dung, học các thủ thuật quảng cáo bài viết, học chụp ảnh để minh họa, học cách thu âm để đưa nhạc hay giọng nói của mình vào bài viết,...
Khi bạn chia nhỏ nhiệm vụ thành những mục tiêu thực tế, dễ hình dung, bạn sẽ có động lực để hoàn thành những mục tiêu nhỏ đó. Dần dần, bạn sẽ thấy mình đã chinh phục cả một dự án lớn lúc nào không hay. Chúng ta thường lùi bước trước khó khăn vì khó khăn có vẻ như là quá lớn. Nhưng điều chúng ta không biết là thực ra, những khó khăn đó chỉ là tổng hợp của rất nhiều những vấn đề nhỏ mà chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được. Vì thế, chần chừ trước khó khăn chỉ khiến bạn tốn thời gian. Hãy bắt tay vào hành động ngay nhé!
Kẻ thù lớn nhất của việc chia nhỏ nhiệm vụ là thói quen nước đến chân mới nhảy. Vì vậy, bạn có thể xem lại bài viết này: