Nhiều bạn từng đặt câu hỏi với Sang rằng: “Tại sao khi đã có một kế hoạch hoàn chỉnh và một tinh thần quyết tâm, em vẫn bỏ cuộc giữa chừng?”. Câu trả lời của Sang là: Chà, có thể kế hoạch của bạn ấy không hoàn chỉnh như bạn ấy nghĩ – nó còn thiếu một nhân tố cực kỳ quan trọng: kết quả đo lường.
Kết quả đo lường chính là thứ khiến cho kế hoạch của bạn có ý nghĩa. Hành trình của bạn sẽ rất dài (vì nó rất dài nên bạn mới phải lên kế hoạch), vì thế, bạn sẽ rất dễ nản lòng nếu cứ cắm đầu chạy về phía trước mà không biết mình đã chạy được bao xa. Trong một bản kế hoạch, mọi thứ phải rõ ràng và từng cột mốc đều rất quan trọng, chứ không riêng gì đích đến. Nếu bạn không đo lường xem mình đã đạt được bao nhiêu phần trăm kế hoạch hoặc mình đã chinh phục được những cột mốc nào, bạn sẽ giống như một người mò mẫm trong cánh rừng âm u – vừa không biết mình đã đi bao xa, vừa không rõ mình sẽ mất thêm bao nhiêu thời gian và công sức nữa để tìm được điểm đến.
Bạn biết đấy, trên một hành trình dài, bạn sẽ mất khái niệm thời gian, giống như một người trong rừng không phân biệt được họ đã đi liên tục trong 2 tiếng hay 5 tiếng. Và điều đáng sợ là khi bạn đã gần chạm đích, bạn kiệt sức, và bạn gục ngã vì không biết rằng mình phải đi bao lâu nữa. Khi bạn để sự mơ hồ bao lấy mình, não bạn sẽ có phản ứng chống lại và không muốn tiếp tục cố gắng. “Điều đáng sợ không phải là chờ đợi, mà là không biết phải chờ đợi đến bao giờ” – Sang cảm thấy câu nói này rất đúng.
Đừng thử thách ý chí của bạn thêm nữa! Hãy cho bản thân những dấu hiệu để nó biết rằng nó vẫn đang tiến lên. Hãy chia cuộc hành trình dài của bạn thành nhiều chặng, mỗi chặng lại có một dấu mốc và một con số để đo lường. Như vậy, khi đến được cột mốc đầu tiên, ít nhất thì bạn biết được rằng bạn đã chinh phục được ¼, một nửa hoặc ¾ quãng đường. Bạn biết rõ bạn còn cách vạch đích bao xa và đó là lý do mà ý chí của bạn sẽ không cho phép bạn dừng lại. Hãy trân trọng những thành công nhỏ trên con đường này, vì nó có ý nghĩa lớn lao lắm đấy, bạn à. Hãy tự thưởng cho mình thứ gì đó khi đã hoàn thành tốt đẹp một chặng để tiếp sức cho những chặng tiếp theo.
Đó là lý do mà Sang luôn khuyến khích các bạn lên kế hoạch theo năm, theo quý, theo tháng, theo tuần và theo ngày. Khi bạn theo dõi được hiệu quả của công việc mỗi ngày, bạn sẽ có tinh thần để tiếp tục cố gắng vào ngày tiếp theo. Những người thành công mà Sang biết đều tìm mọi cách để biết được họ đã tiến bộ bao nhiêu so với ngày hôm trước.
Nhiều người vẫn nói rằng “Kết quả không quan trọng, quá trình mới quan trọng”. Nhưng khi bắt tay vào thực tế, họ không đo lường hành trình của mình, coi nhẹ những cột mốc mà mình đã chinh phục và chỉ chăm chăm tiến về đích. Kết quả là gì? Kết quả là những người này cảm thấy vô định trên hành trình phía trước, và sự chán nản sẽ nhanh chóng xâm chiếm lấy họ. Thật vô lý làm sao khi có nhiều người ngoài kia đã lên kế hoạch rất chi tiết cho sự nghiệp và cuộc đời của mình, để rồi họ tiếp tục mơ hồ và hoang mang trong chính bản kế hoạch mà mình tạo ra. Bạn không muốn như thế, đúng không?
Đối với Sang, quá trình và kết quả đều quan trọng, vì không có kết quả thì sẽ không có quá trình. Ngược lại, quá trình mới chính là thứ đồng hành cùng bạn mỗi ngày. Hãy trân trọng từng thành quả mà bạn đạt được. Giống như để tìm thấy kho báu, bạn phải sưu tầm đủ 10 cái chìa khóa. Vậy thì, hãy vui mừng khi tìm được cái chìa khóa đầu tiên, háo hức khi tìm thấy cái chìa khóa thứ hai, biết ơn khi tìm được cái chìa khóa thứ ba,… Cứ thế, bạn sẽ biết rằng mình còn cách kho báu bao xa, và bạn sẽ không bao giờ bỏ cuộc giữa chừng khi biết quãng đường trước mắt sẽ trông như thế nào.