Bí Mật 69 - Bước 1. "Y" của bạn là gì?

Không có người nào đạt được mục tiêu do mình đề ra mà chưa từng tự hỏi hai chữ "Tại sao?". Nếu bạn cảm thấy mình là người dễ bỏ cuộc, dễ chán nản, thiếu quyết tâm với những điều mà mình cần học, thì giải pháp dành cho bạn là xác định lại cái WHY của mình.

Chúng ta đều biết rằng tự học là một hành trình không dễ dàng. Nó là thứ mà bạn không nhất thiết phải làm thì mới có thể sống được. Không có một người sếp khó tính thúc ép bạn, cũng không có ai quan sát bạn hành động. Tự học, suy cho cùng, là một hành trình bền bỉ mà bạn phải tự bơi qua bằng ý chí của mình. Mà hành trình này thì khó khăn vô cùng. Bạn phải tự nghiên cứu, không ai có sẵn ở đó để hỗ trợ bạn, rồi bạn lại phải tự áp dụng những gì đã học vào thực hành, và một lần nữa, không ai có mặt ở đó để nói với bạn rằng bạn đã làm đúng hay sai, cần sửa đổi chỗ nào. Bạn cáng đáng nhiều vai trò trên hành trình tự học: bạn vừa là người thầy của chính mình, vừa là người giám thị khắt khe, vừa là học trò, vừa là chuyên gia,... Có đôi lúc bạn sẽ tự hỏi: Tại sao tôi làm việc này nhỉ? Sao tôi phải khổ đến thế?

Vậy thì, làm sao để chúng ta vượt qua được tất cả những trở ngại này? Làm sao để xác định và luôn ghi nhớ cái WHY?

Có cách đấy, Sang sẽ hướng dẫn bạn 3 bước để bạn xác định và không bao giờ quên cái WHY của mình.

Bước 1: Định nghĩa mục tiêu một cách rõ ràng.

Sự rõ ràng rất quan trọng, bởi vì một mục tiêu chung chung không cho bạn cái nhìn về tương lai. Bạn không biết ở đó có gì, mình sẽ nhận được phần thưởng gì. Ví dụ như câu chuyện của Sang khi thiết kế sản phẩm Stand Pro. Sang ý thức rất rõ ràng về mục tiêu của mình: "Tôi muốn hoàn thành mô hình sản phẩm Stain Pro này để mang nó đi xin đầu tư và đưa nó ra ngoài thị trường nhanh nhất có thể". Bằng khẳng định này, Sang nhìn thấy rất rõ tương lai.

Hãy lấy viết lách làm ví dụ. Liệu bạn có rõ ràng được hơn chút nào không về cái WHY của mình khi nói rằng "Tôi muốn giỏi viết lách"? Chắc chắn là không? Giỏi viết lách là sao? Giỏi trong lĩnh vực nào của viết lách? Viết báo, viết luận, viết quảng cáo, viết bài hướng dẫn, viết sách, hay sáng tác văn chương? Như thế nào gọi là "giỏi"? Là đạt được giải thưởng, được nhiều người yêu thích, được nhiều người theo dõi trên các nền tảng, được bạn bè và gia đình ca ngợi, hay tự chúng ta nhận xét "giỏi" là giỏi? Một mục tiêu thế này không giúp ích được gì cho bạn cả, vì rốt cuộc nó vẫn mơ hồ. Bạn vẫn không biết rốt cuộc bạn muốn gì.

Nhưng hãy thử một mục tiêu khác: "Tôi muốn học viết lách để tự dựng một trang blog riêng có nhiều người theo dõi". Khi đó, bức tranh tương lai hiện lên rất rõ ràng. Mục tiêu của bạn là trở thành một cây bút được biết đến chủ yếu qua Internet. Khi mục tiêu của bạn rõ ràng, bạn mới có thể đi qua Bước 2 và Bước 3.

Bước 2: Tưởng tượng về những gì sẽ diễn ra khi đã đạt được mục tiêu

Cụ thể, hãy tưởng tượng về thành tựu của bạn khi đó. Hãy hình dung kỹ năng mới này sẽ đem lại cho bạn những gì. Ví dụ như khi bạn xây dựng website thành công và trở thành một blogger nổi tiếng, nhiều người sẽ tin tưởng bạn và ủng hộ bạn, bạn sẽ được yêu quý, bạn sẽ được biết đến nhiều hơn và những email mời hợp tác sẽ nhảy vào hộp thư của bạn ngày càng nhiều.

Và hãy hình dung xem cảm giác lúc đó của bạn sẽ như thế nào. Bạn chắc chắn sẽ cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện vì những gì mình đã làm.

Bước 3: Phần thưởng gắn liền với con số

Chúng ta thường có ấn tượng rằng những con số rất khô khan. Nhưng Sang không nghĩ thế. Khi số gắn liền với thước đo thành công của bạn trong những dự án mà bạn quan tâm, nó trở thành thứ khiến bạn hạnh phúc nhất. Bạn sẽ có nhiều cảm hứng hơn để tiếp tục làm việc.

Khi thành lập Galatek, Sang cũng xác định cho mình những con số mục tiêu. Chúng là: Cần bao nhiêu tiền để mở công ty? Sản xuất sản phẩm mẫu tốn kém bao nhiêu? Cần bao nhiêu tiền để quảng bá cho sản phẩm? Doanh thu ước tính? Chúng là con số, và cũng là phần thưởng.

Trở lại với ví dụ về viết lách, con số phần thưởng của bạn có thể là bạn mong muốn có bao nhiêu người hâm mộ? Và khi nào thì bạn có thể dành dụm đủ tiền để mua một cái laptop mới, khi đó bạn có thể vừa đi du lịch vừa viết lách về những nơi mà bạn đang đi qua.

Hãy luôn nhớ điều này khi bạn thực hiện Bước 2 và Bước 3: Mục tiêu phải luôn gắn liền với cảm xúc. Bạn phải cảm thấy cực kỳ phấn khích với viễn cảnh khi đạt được mục tiêu, đồng thời bạn phải cảm thấy cực kỳ sợ hãi khi mục tiêu không đạt được. Khi đó, cái WHY của bạn mới đủ mạnh. Khi cái WHY của bạn đủ mạnh rồi, đương nhiên, chướng ngại sẽ không vì thế mà nhỏ bé đi. Nhưng tự bản thân bạn sẽ trở nên mạnh mẽ và phi thường đến mức dù chướng ngại lớn đến đâu, nó cũng chỉ như hạt cát trong mắt bạn.

Hãy luôn nhớ, cái WHY chính là bước đệm giúp bạn bật lên rất cao, cao hơn những gì mà bạn vốn tưởng tượng. Để có thể đi tiếp hành trình gian nan đó, bạn cần cái WHY đủ lớn, vì thế, tuyệt đối đừng bỏ qua bước này nếu bạn muốn tự học thành công.

Nếu bạn quên mất cái WHY quan trọng như thế nào, hãy xem lại bài viết này:


👉 X=Y là gì trong cuộc đời bạn?


Was this page helpful?
SOWX.0
Copyright © 2022 Sang Le Tech. All Rights Reserved.