Vậy OPA là gì? Nó là:
Quy tắc thứ nhất trong việc lên kế hoạch, cũng là quy tắc quan trọng nhất, đó chính là OPA. Tại sao Sang lại gọi nó là quy tắc quan trọng nhất? Bởi vì nó quyết định hiệu quả của tất cả những phương pháp còn lại mà bạn áp dụng. Nói cách khác, dù bạn có học được bao nhiêu phương pháp quản lý thời gian, dù bạn có được sự hỗ trợ của công nghệ, nếu bạn không rõ về OPA của mình, bạn cũng sẽ không thực hiện được điều mà mình muốn làm.
Outcome là điều mà bạn muốn làm, là kết quả mà bạn muốn đại được. Ví dụ, trong trường hợp của Sang, outcome mà Sang muốn đạt được là hoàn thành cuốn sách đầu tay.
Purpose là mục đích của bạn. Trước khi bắt đầu làm gì, bạn phải trả lời một loạt những câu hỏi "Tại sao": Tại sao tôi làm điều này? Tại sao việc đạt được kết quả đó lại quan trọng với tôi đến vậy? Nếu tôi không làm, chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ cảm thấy như thế nào?
Có lẽ bạn sẽ hơi bất ngờ khi Sang nói điều này, nhưng việc bạn "cảm thấy như thế nào" rất quan trọng. Cảm xúc là kim chỉ nam của bạn, bởi vì cảm xúc thúc đẩy con người hành động. Vì lý do đó, khi xác định Purpose của mình, bạn phải luôn gắn nó với cảm xúc. Ví dụ, trong trường hợp của Sang, lý do lớn nhất thúc đẩy Sang hoàn thành cuốn sách là Sang coi nó như món quà dành tặng con gái mình. Vì dịch COVID-19, Sang không thể gần con gái Sang được, vậy nên Sang muốn viết cuốn sách này để mai kia khi con lớn, con hỏi Sang rằng: "Sao ba không bên con vào thời điểm đó", thì Sang sẽ trả lời rằng đó là vì Sang đang chuẩn bị một món quà dành cho con. Một lý do nữa cũng quan trọng không kém, và cũng xuất phát từ cảm xúc của Sang, đó là Sang muốn làm một điều gì đó để giúp mọi người trong thời kỳ khó khăn nhưng cũng đầy cơ hội này. Sang hình dung được nụ cười của con gái và nụ cười của những người đang cầm cuốn sách trên tay, và bởi vì những điều này rất quan trọng với Sang, Sang không cho phép mình dừng lại.
Action sẽ được nảy sinh từ đây. Khi bạn có một Purpose đủ lớn và đủ quan trọng với cá nhân bạn, Action không còn là một nỗi ám ảnh. Chắc bạn đã từng trải qua cảm giác phấn khích khi bắt đầu một dự án nào đó, nhưng rồi trong lúc thực hiện, trong một phút chán nản, bạn bỗng tự hỏi chính bản thân mình: "Tại sao tôi lại phải làm điều này? Tại sao tôi phải mệt mỏi như vậy? Có đáng không?". Chúng ta cần Purpose vì Action là một quá trình rất dài, rất mỏi mệt, và cũng rất chán nản. Nhưng khi có Purpose ở đó, bạn sẽ luôn nhớ lý do mình bắt đầu công việc này, và bạn biết mình vẫn đang trên hành trình tiến về cái đích mà mình mong muốn.
Vì những lý do trên, trước khi bắt tay vào thực hiện bất kỳ công việc gì, bạn phải rất rõ về OPA của chính mình. Khi đó, những nỗ lực đằng sau và những công cụ mà Sang đề xuất đến bạn mới phát huy tác dụng.