Năm 1955, Cyril Northcote Parkinson, một nhà sử học người Anh đã viết một bài châm biếm đăng trên tạp chí The Economist dựa trên trải nghiệm của ông với cơ quan dịch vụ công của Anh. Câu đầu tiên trong bài viết của ông đã trở thành nền tảng cho một trong những định luật được sử dụng phổ biến nhất trong môi trường doanh nghiệp ngày nay - Parkinson Law: "Công việc sẽ bị kéo dài ra để vừa khớp với thời gian mà nó có để hoàn thành nhiệm vụ".
Nói cách khác, nếu một nhiệm vụ đơn giản, hoàn toàn có thể hoàn thành trong 2 ngày, nhưng bạn lại đặt deadline cho nhiệm vụ đó là 2 tuần, thì nó sẽ xong trong 2 tuần chứ không phải là 2 ngày. Đó là lý do mà một deadline hợp lý là rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của dự án. Chúng ta có thể mất cả tuần chỉ để viết một bài luận, nếu chúng ta không cần phải nộp gấp vào ngày hôm sau. Một người thiết kế có thể mất 2 tuần để làm xong một cái logo vốn dĩ có thể hoàn thành trong 3-4 ngày. Nếu không có áp lực thời gian, chúng ta sẽ tốn nhiều thời gian hơn để thực hiện các nhiệm vụ.
Người nổi tiếng nhất trong việc áp dụng Định luật Parkinson là Steve Jobs. Hiểu được rằng với áp lực thời gian, nhân viên của mình sẽ tập trung làm việc hơn và làm việc hiệu quả hơn, ông dám đưa ra những deadline mà người ngoài nhìn vào sẽ cảm thấy gần như là không thể hoàn thành nổi. Khi nhân viên của ông nói rằng dự án đó phải xong trong 2 tuần, ông yêu cầu họ hoàn thiện mọi thứ trong 1 tuần. Đối với dự án mất 1 tuần, ông yêu cầu rút ngắn xuống còn 3 ngày. Khi chúng ta có áp lực thời gian, tự động cơ thể của chúng ta sẽ tìm đủ mọi cách để hoàn thành deadline. Steve Jobs hiểu rõ điều đó. Sau này, trong những cuộc phỏng vấn, những người từng làm việc với Steve Jobs đã chia sẻ rằng chính họ cũng không hiểu nổi vì sao họ có thể hoàn thành những nhiệm vụ được giao trong thời gian ngắn như vậy. Có thể họ đã không hoàn thiện 100% dự án như dự định ban đầu, nhưng với deadline đó, họ luôn có thể hoàn thành 90-95%.
Chúng ta mất nhiều thời gian hơn phần nhiều là vì chúng ta quá cầu toàn. Khi chúng ta nghĩ rằng mình có nhiều thời gian thảnh thơi, chúng ta dùng thời gian ít thông minh đi. Chúng ta dành cả tiếng đồng hồ để đọc đi đọc lại hàng chục lần một cái email, lượm lặt từng lỗi đánh máy trong bài viết, soi đến từng chân tơ kẻ tóc trong tấm banner mới thiết kế. Chúng ta tốn quá nhiều thời gian để để tâm đến những điều chi li vụn vặt, những điều đáng ra không cần phải tốn thời gian đến thế. Kết quả là, chúng ta có một sản phẩm hoàn hảo không tì vết, nhưng tốn gấp 4, gấp 5 lần thời gian. Như vậy có đáng không?
Đương nhiên, đáng hay không là tùy bạn đánh giá. Sang chỉ muốn nói rằng sự cầu toàn đang lấy đi của bạn quá nhiều thời gian. Và nếu bạn không muốn chuyện đó xảy ra, nếu bạn muốn dành khoảng thời gian đó để làm những thứ khác, để học những điều mới, để dành cho gia đình, thì hãy áp dụng ngay Định luật Parkinson vào đời sống. Hãy tự đặt ra cho mình những deadline không tưởng, và dám nói deadline đó cho người khác. Để làm gì? Để họ trở thành những giám thị nghiêm khắc trong cuộc sống của bạn. Dưới con mắt giám sát của họ, bạn có áp lực cần thiết để hoàn thiện mọi mục tiêu.
Bạn có dám bỏ cuộc dễ dàng khi có những ánh mắt giám sát của những người xung quanh không? Hãy đọc lại bài viết này để bạn bắt đầu quyết tâm thiết lập một môi trường thật khắc nghiệt cho bản thân và hoàn thành những ước mơ to lớn của chính bạn: